Bệnh nấm nông

Nấm nông là bệnh da khá phổ biến do các vi nấm ký sinh ở thượng bì hoặc thành phần phụ của da như lông, tóc, móng gây nên. Bệnh gặp nhiều ở các nước trong vùng nhiệt đới nóng và ẩm.

Nấm nông là bệnh da khá phổ biến do các vi nấm ký sinh ở thượng bì hoặc thành phần phụ của da như lông, tóc, móng gây nên. Bệnh gặp nhiều ở các nước trong vùng nhiệt đới nóng và ẩm. Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương trong thời gian 3 năm từ tháng 1 năm 2007 đến hết tháng 12 năm 2009 có gần 30.000 bệnh nhân được chẩn đoán là nấm da, chiếm 6,3% tổng số bệnh da đến khám và điều trị.

Bệnh nấm tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng thường có triệu chứng cơ năng ngứa nhiều, nếu không được điều trị hay điều trị không đúng, thương tổn nấm có thể lan tỏa, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Nấm da gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bệnh thường gặp ở người trẻ. Theo nghiên cứu tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, trên 50% bệnh nhân từ 20 đến 29 tuổi, trong đó, chủ yếu là học sinh và sinh viên. Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, sống tập thể, ngủ chung và dùng chung quần áo là những điều kiện thuận lợi cho nấm lây lan và gây bệnh. Khí hậu nóng ẩm, ra nhiều mồ hôi làm cho pH của da thay đổi  cũng là một trong những yếu tố thuận lợi cho nấm phát triển.

Nấm nông ở da gồm nhiều loại khác nhau. Hắc lào là bệnh nấm da phổ biến nhất do các loại nấm sợi (dermatophytes) gây nên. Nấm sợi gồm ba loại chủ yếu là Trichophyton, Epidermophyton, Microsporum và chúng ký sinh chủ yếu ở chó, mèo hay chuột. Khi có điều kiện thuận lợi sẽ lây lan sang người và gây bệnh ở da, tóc và móng. Nấm sợi có ái tính với các tế bào sừng của thượng bì. Khi bám vào các tế bào sừng, sợi nấm tiết ra keratinase, một loại men có tác dụng tiêu hủy keratin, thành phần cấu tạo chủ yếu của các tế bào sừng (keratinocyte). Thương tổn trên da là các mụn nước tập trung thành đám hình tròn hay hình nhiều cung, trên có vảy da. Thương tổn có xu hướng lành ở giữa và lan ra xung quanh và ngứa nhiều. Tùy vị trí gây bệnh mà có các tên khác nhau như nấm thân mình (Tinea corpris), ở đầu (tinea capitis), ở mặt (tinea faciei) hay ở chân (tinea pedis)… kèm theo bệnh nhân có ngứa nhiều, nhất là khi trời nóng, ra nhiều mồ hôi. Nếu không được điều trị, thương tổn có xu hướng lan rộng. Ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải hoặc những bệnh nhân điều trị các thuốc ức chế miễn dịch, thương tổn có thể lan rộng ra toàn thân.

Lang ben là bệnh da do nấm có tên Malassezia furfur gây nên. Vi nấm có hình tròn hay hình bầu dục, ký sinh chủ yếu ở vùng da tăng tiết chất bã nhờn. Trên da bình thường cũng có vi nấm, tuy nhiên chúng không gây bệnh. Da ẩm ướt, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường là những điều kiện thuận lợi cho vi nấm phát triển và gây bệnh. Thương tổn trên da là các dát kích thước từ 0,5 đến 2 cm đường kính, giới hạn rõ ràng với vùng da lành, trên có vảy da khô mỏng như vảy cám, dễ bong. Ở người da thẫm màu dát thường có màu trắng, ở người da trắng dát có màu nâu. Các thương tổn có thể liên kết với nhau tạo thành mảng lớn, bờ khúc khuỷu như hình bản đồ. Thương tổn trở nên đỏ và ngứa khi ra nắng. Trong một nghiên cứu của Bộ môn Da liễu Trường đại học Y Hà Nội tại xã Vĩnh Phúc huyện Thanh Trì – Hà Nội cho thấy 3,1% trong số 513 người được khám mắc bệnh lang ben và  tại Bệnh viện Da liễu Trung ương trung bình một năm có 1673 bệnh nhân bị bệnh lang ben đến khám và điều trị, chiếm 16,9%  tổng số bệnh nhân bị bệnh nấm nông và 1,1% các bệnh da  nói chung.

 

Một số hình ảnh nấm nông trên da.
Các bệnh da và niêm mạc
do Candida chiếm khoảng 1% các bệnh nấm da. Chủng hay gây bệnh nhất là Candida albican. Biểu hiện của viêm kẽ do Candida trên lâm sàng là các dát đỏ giới hạn rõ hình tròn hay hình nhiều cung, xung quanh thường có các thương tổn vệ tinh. Vị trí hay gặp ở kẽ bẹn, mông, cổ, là những nơi luôn ẩm ướt. Ngoài ra, vi nấm còn có thể gây viêm lưỡi (tưa lưỡi) ở trẻ bú mẹ hay viêm niêm mạc miệng ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch. Trên thực tế tình trạng tưa lưỡi rất thường gặp ở trẻ nhũ nhi. Việc chẩn đoán bệnh do candida thường không gặp nhiều khó khăn. Nguyên tắc điều trị chủ yếu là vệ sinh sạch sẽ, sử dụng các loại thuốc chống nấm bôi tại chỗ cho kết quả tốt.

Nấm móng là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh về móng. Nguyên nhân có thể do nấm sợi hay nấm men gây nên. Biểu hiện lâm sàng đa dạng, móng trở nên dày, màu trắng ngà và mủn, có thể có hiện tượng tách móng. Theo một nghiên cứu ở Phần Lan cho thấy tỉ lệ bệnh nhân bị nấm móng chiếm 20,2% các bệnh nhân trên 18 tuổi bị bệnh da. Mang giầy liên tục, bàn chân luôn ẩm do mồ hôi, là điều kiện thuận lợi cho nấm gây bệnh ở móng.

Nấm tóc ít gặp nhất, thường do nấm sợi lây lan từ vật nuôi trong nhà như chó, mèo. Trong thời gian 3 năm có 640 bệnh nhân bị nấm tóc, chiếm 2,1 % các bệnh nấm nông, trong đó nấm đinh hương sen (kerion de celse) là 0,4% và nấm trứng tóc 0,3%. Ngoài ra, còn có nhiều chủng nấm khác gây bệnh trên da như piedraia, phaeoannellomyces…nhưng rất hiếm gặp.

Chẩn đoán xác định các bệnh nấm nông cần dựa vào biểu hiện thương tổn trên da và xét nghiệm soi tươi tìm nấm. Cần lưu ý hiện tượng âm tính giả vì nhiều bệnh nhân đã tự điều trị bằng bôi các thuốc chống nấm trước khi đến khám và xét nghiệm. Do vậy, cần tư vấn cho người bệnh nên ngừng tất cả các thuốc bôi ít nhất từ 3 đến 5 ngày trước khi làm xét nghiệm.

Điều trị nấm nông ở da cần kết hợp nhiều biện pháp

– Vệ sinh sạch sẽ, tránh ẩm ướt, nhất là các nếp gấp. Tránh sử dụng xà phòng.

– Là quần áo thường xuyên hoặc cần phơi quần áo dưới ánh nắng mặt trời, nhất là quần áo lót có tác dụng diệt nấm, tránh hiện tượng tái nhiễm.

– Tránh tiếp xúc với các nguồn lây như chó mèo, không dùng chung quần áo chăn màn với người mắc bệnh.

– Dùng các thuốc chống nấm bôi tại chỗ đơn thuần hoặc kết hợp thuốc bôi với thuốc uống đường toàn thân tùy thuộc vào mức độ thương tổn.

– Hiện nay có rất nhiều các loại thuốc bôi có tác dụng kháng nấm như Nizoral cream (Ketoconazole) 2% , Lamisil cream (Terbinafine) 1%, Mycoster  cream (Ciclopiroxolamine) 1%.v.v. với hiệu quả điều trị cao, ít gây tác dụng phụ.

– Thời gian bôi thuốc ít nhất từ 3 đến 4 tuần. Để tránh hiện tượng tái phát, theo một số tác giả, sau khi khỏi bệnh có thể bôi thuốc duy trì 1 đến 2 lần/ tuần.

– Sử dụng các thuốc kháng nấm toàn thân cần có chỉ định của bác sỹ. Nên kiểm tra chức năng gan trước và trong qua trình điều trị và không nên phối hợp sử dụng thuốc kháng nấm kết hợp với các thuốc kháng histamine tổng hợp vì có thể gây nên các biến chứng về tim mạch.