Giãn mao mạch ở mặt là tình trạng xuất hiện các mạch máu nhỏ li ti màu xanh dương, đỏ hoặc tím và có hình dạng như mạng nhện. Tình trạng này không nguy hiểm nhưng lại gây mất thẩm mỹ và khiến nhiều người vô cùng tự ti. Để điều trị giãn mao mạch ở mặt, bác sĩ có thể chỉ định thuốc trị giãn mao mạch ở mặt hay các phương pháp hiện đại hơn như laser, IPL.
1. Giãn mao mạch ở mặt là gì?
Giãn mao mạch ở mặt là một hiện tượng khá phổ biến ở người trưởng thành, đặc biệt là phụ nữ sau 30 tuổi. Trên mặt bệnh nhân sẽ xuất hiện các mạch máu nhỏ li ti, có hình dạng như mạng nhện. Các mạch máu này thường có màu xanh dương, đỏ hay tím và bạn có thể dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường. Hiện tượng giãn mao mạch ở mặt xảy ra do các mạch máu bị giãn nở hoặc vỡ ra.
Tình trạng giãn mao mạch thường xảy ra ở những vùng da mỏng trên mặt chẳng hạn như ở mũi, má hay hai bên thái dương. Ngoài ra các vùng da khác như da trước xương quai hàm hoặc da chân (sau cẳng chân, gần mắt cá chân, mặt sau đùi và vùng bắp chân) cũng có thể bị giãn mao mạch. Khi các mao mạch ở chân bị giãn thường được gọi là bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới.
2. Nguyên nhân giãn mao mạch
Giãn mao mạch ở mặt thường gặp ở phụ nữ từ 30 tuổi trở lên. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng giãn mạch ở mặt bao gồm:
- Bệnh lý ở da như bệnh trứng cá đỏ, giãn mạch hình sao
- Sử dụng mỹ phẩm không đúng cách hoặc lạm dụng mỹ phẩm, đặc biệt là các mỹ phẩm chứa corticoid. Các loại mỹ phẩm này sẽ gây bào mòn da, khiến da mặt ngày càng mỏng và yếu, tới một mức độ nào đó sẽ thấy rõ các mao mạch dưới da.
- Do tác dụng phụ của các thuốc bôi trên mặt: một số loại thuốc bôi trị bệnh da liễu ở mặt cũng chứa thành phần corticoid. Do đó điều quan trọng là bạn phải sử dụng các loại thuốc này theo đúng liều lượng, đúng hướng dẫn của nhân viên y tế
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khiến làn da bị mất nước, đen sạm và nhanh chóng lão hóa. Hiện tượng giãn mao mạch thường gặp ở những vùng da mỏng, thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như da đầu mũi, má, thái dương,… Bên cạnh đó, bản thân tia tử ngoại cũng có khả năng gây tăng sinh và giãn các mạch máu nhỏ ở da.
- Do quá trình lão hóa: đây là một nguyên nhân khá phổ biến. Tuổi tác càng cao, da càng bị lão hóa và sức đề kháng thành mạch cũng giảm. Do đó, giãn mao mạch ở da chính là một dấu hiệu cảnh báo cho thấy da bạn đang bị lão hóa và cần được chăm sóc tốt hơn.
- Rối loạn nội tiết tố: phụ nữ ở giai đoạn dậy thì, mang thai, sau sinh hay tiền mãn kinh đều sẽ phải trải qua thay đổi lớn về hormone. Lượng hormone thay đổi bất thường chính là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi của các mạch máu trên da.
- Sử dụng các chất kích thích: lạm dụng các chất kích thích đặc biệt là các chất có tính cay, nóng sẽ làm tăng lưu thông máu trong mao mạch, từ đó dẫn tới tình trạng giãn mao mạch ở da.
- Yếu tố di truyền: yếu tố này quyết định tới cấu trúc và sắc tố da vì thế mà hiện tượng giãn mao mạch có thể được di truyền từ bố mẹ sang con cái.
3. Điều trị giãn mao mạch ở mặt
3.1 Thuốc điều trị giãn mao mạch
Các loại kem có thành phần retinol thường được sử dụng cho nhiều bệnh lý da và cũng có thể được dùng trong một số trường hợp giãn mao mạch. Retinoids có thể giúp làm giảm hiện tượng giãn mao mạch và tăng cường sức khỏe làn da. Tuy nhiên, các loại thuốc trị giãn mao mạch có retinol có thể gây khô da, gây kích ứng, ngứa và đỏ sau khi bôi. Do đó, bệnh nhân không được tự ý sử dụng mà nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được hướng dẫn sử dụng thuốc trị giãn mao mạch phù hợp và mang lại hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, nếu mụn trứng cá hoặc bệnh trứng cá đỏ là nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng giãn mao mạch, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh uống hoặc bôi ngoài da. Nhìn chung, thuốc trị giãn mao mạch không phải là phương pháp tối ưu cho giãn mao mạch trên mặt. Để điều trị dứt điểm tình trạng này, bác sĩ sẽ chỉ định những kỹ thuật hiện đại hơn như laser, IPL.
3.2 Liệu pháp Laser
Liệu pháp laser là phương pháp xâm lấn tối thiểu và là phương pháp điều trị đơn giản nhất cho chứng giãn mao mạch trên mặt. Cắt đốt bằng laser có thể bịt kín các mạch máu bị giãn rộng. Thủ thuật này không gây đau nhiều và thời gian hồi phục ngắn. Ngoài điều trị giãn mao mạch, việc sử dụng laser còn giúp da đều màu, khỏe mạnh, phòng ngừa tái phát cũng như sự xuất hiện mới của hiện tượng giãn mao mạch. Do vậy, laser là biện pháp điều trị phổ biến và được nhiều khách hàng tin dùng nhất hiện nay.
3.3 Tiêm xơ
Một dung dịch được tiêm trực tiếp vào mạch máu sẽ kích ứng niêm mạc của mạch máu, khiến nó xơ cứng và hình thành sẹo Khi đó lượng máu đang lưu thông buộc phải chuyển hướng và chảy qua các mạch máu khác khỏe hơn. Như vậy, triệu chứng nổi gân xanh hoặc đỏ trên da sẽ hết do máu không còn lưu thông ở mạch máu bị giãn nữa. Mạch máu bị xơ có thể tự tiêu biến dần trong vòng vài tuần đến vài tháng. Thủ thuật thường được áp dụng cho các mạch máu lớn như giãn tĩnh mạch chân. Tuy nhiên, tiêm xơ có thể gây đau đớn, thậm chí là dẫn đến tình trạng tăng sắc tố da và khiến cho các mao mạch xuất hiện nhiều và dày đặc hơn.
3.4 Ánh sáng IPL
Liệu pháp ánh sáng IPL sử dụng ánh sáng đặc biệt xuyên qua lớp da xuống các tầng sâu hơn mà không làm hỏng lớp bề mặt trên cùng. Ánh sáng IPL sẽ tác động sâu và giúp phá vỡ mạch máu, loại bỏ tình trạng giãn mao mạch.
Giãn mao mạch là một hiện tượng phổ biến hiện nay và khiến người mắc mất tự tin trong cuộc sống. Để hạn chế giãn mao mạch ở mặt, bạn có thể áp dụng một số biện pháp phòng ngừa đối với các nguyên nhân ngoại sinh gây ra giãn mao mạch chẳng hạn như sử dụng các sản phẩm chăm sóc da phù hợp, tránh sử dụng chất kích thích, dùng kem chống nắng và luôn che chắn khuôn mặt bằng mũ, nón rộng vành.